Công nghệ cao giám sát giao thông

Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa (Robotics), Internet vạn vật (IoT),... đóng vai trò then chốt, có tính quyết định đến sự phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới. Cuộc cách mạng 4.0 cũng đã và đang lan rộng đến từng ngành nghề, nó yêu cầu tất cả phải thay đổi nếu không sẽ bị đào thải.

Từ công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục... và ngành giao thông cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc giám sát, quản lý giao thông được đánh giá là giải pháp “tối ưu” đối với ngành giao thông. Giải pháp này không chỉ ghi nhận, cập nhật tức thì các hành vi vi phạm mà còn hạn chế được tất cả những tiêu cực trong công tác quản lý, giám sát giao thông. 

Trong những năm qua, tình trạng giao thông ùn tắc, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn, ngược chiều, tai nạn giao thông… luôn là vấn đề nổi cộm và thường xuyên được nhắc đến. Bởi vậy, yêu cầu về một hệ thống có khả năng giám sát và tự động phát hiện được các hành vi vi phạm giao thông, đưa ra những cảnh báo, xử lý kịp thời nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông được đặt ra.

Bắt đầu từ tháng 3-2020, nhằm tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM, Sở GTVT TPHCM đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên 14 tuyến đường nội đô. Đó là các tuyến đường: Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng và Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, Sở GTVT cũng tổ chức ghi hình vi phạm ở đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh). Các hệ thống camera giao thông được trang bị trên rất nhiều tuyến đường, giao lộ trên địa bàn có thể tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu, để từ đó cung cấp cho người dân dưới dạng thông tin tư vấn các tuyến đường đang ùn tắc, tư vấn các lộ trình cũng như thời gian phù hợp. 

Hệ thống khi đưa vào hoạt động sẽ đạt được yêu cầu, tiêu chí như phân tích, đánh giá, theo dõi lượng phương tiện hoạt động trên tuyến; tích hợp được dữ liệu các loại xe như dữ liệu đăng ký xe, quản lý giấy phép lái xe, đăng kiểm, xe tang vật - xe mất cắp. Hệ thống giám sát sẽ tự động phát hiện các xe sử dụng biển số giả; các xe gây tai nạn bỏ chạy, xe quá niên hạn sử dụng, xe mất cắp; đồng thời quan sát, ghi nhận các phương tiện trên tuyến tại điểm phức tạp về trật tự giao thông...

Hình ảnh ghi nhận được qua hệ thống giám sát đảm bảo các yếu tố pháp lý và nghiệp vụ, làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Phòng ngừa, răn đe người vi phạm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; đồng thời có tác dụng trong việc phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông. 

Hiện nay, tại các nước phát triển, IoT không còn xa lạ. Sự kết nối của xe với Internet mang đến nhiều khả năng và ứng dụng mới như là ô tô có thể tự điều chỉnh để tránh ùn tắc giao thông và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng cho việc lái xe. Ngoài ra, liên lạc, truyền thông giữa xe với cơ sở hạ tầng cho phép tạo ra các giải pháp mới để tăng cường an toàn giao thông đáng kể, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông. Để không bị đứng ngoài cuộc, ngành giao thông trong nước cần đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng tiến bộ của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để từng bước nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý ngành giao thông.

Nhận xét